Chất lượng của một sản phẩm là tiêu chuẩn quan trọng nhất tạo nên sức cạnh tranh của sản phẩm đó. Vậy khái niệm, đặc điểm và các yếu tố chất lượng sản phẩm là gì? Điều gì khẳng định tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm? Hãy cùng Ori agency tìm hiểu ngay trong bài viết này.
I. Chất lượng sản phẩm là gì?
Có thể nói, chất lượng sản phẩm là một phạm trù kinh tế kỹ thuật khá trừu tượng. Trên thế giới, chưa có một khái niệm thống nhất nào về chất lượng sản phẩm bởi nó được các chuyên gia nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau và cho ra những định nghĩa khác nhau.
Dưới đây là một số quan niệm khác nhau về chất lượng sản phẩm:
● Theo quan niệm siêu việt: Đó là sự tuyệt hảo của sản phẩm so với những sản phẩm cùng loại.
● Quan niệm theo hướng sản phẩm: Đó là một tập hợp các thuộc tính của sản phẩm, phản ánh giá trị sử dụng của nó.
● Quan niệm theo góc độ người sản xuất: Đó là sự phù hợp và đạt được của một sản phẩm so với tập hợp các tiêu chí, tiêu chuẩn, thước đo, quy cách đã được đặt ra từ trước theo thiết kế.
● Theo người bán lẻ: Chất lượng sản phẩm nằm trong con mắt người mua.
● Quan niệm theo thị trường:
- Nếu dựa trên nhu cầu của thị trường: Đó là sự phù hợp với mục đích, yêu cầu của khách hàng.
- Nếu dựa trên giá cả: Đó là cung cấp những sản phẩm với mức giá mà người sử dụng có thể chấp nhận được.
- Nếu dựa trên góc độ cạnh tranh: Đó là cung cấp những đặc điểm sản phẩm và các dịch vụ mà sản phẩm của đối thủ cạnh tranh không có.
Để định nghĩa một cách dễ hiểu nhất, ta có thể sử dụng khái niệm về chất lượng sản phẩm của Theo Luật số 05/2007/QH12 ban hành ngày 21 tháng 11 năm 2007 như sau:
“Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng”.
Mỗi định nghĩa trên đều xuất phát từ một khía cạnh nhất định, dựa trên những cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều có một điểm chung đó là sự phù hợp với yêu cầu. Đó là những yêu cầu của khách hàng và yêu cầu mang tính kỹ thuật, kinh tế và tính pháp lý khác. Các khái niệm không bài xích mà bổ sung cho nhau. Là nhà sản xuất, phải xem chất lượng sản phẩm trong một thể thống nhất mới hiểu được đầy đủ và hoàn thiện nhất về tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm.
II. Đặc điểm của chất lượng sản phẩm
Chất lượng sản phẩm được cấu thành bởi tổ hợp gồm nhiều yếu tố khác nhau nên nó sẽ có rất nhiều đặc điểm.
Dưới đây là một vài đặc điểm chung nhất của chất lượng sản phẩm:
- Chất lượng sản phẩm là một phạm trù tổng hợp: Nó gồm các yếu tố kinh tế, xã hội, kĩ thuật, thể hiện thông qua hệ thống các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, văn hoá của sản phẩm.
- Chất lượng được đo bằng sự đáp ứng nhu cầu: Một sản phẩm dù chất lượng có tốt đến đâu nhưng không được tiêu thụ hoặc sử dụng, thì chẳng khác gì một phế phẩm. Hoặc nếu sản phẩm không được đón nhận thì có thể đó là do chất lượng kém.
- Chất lượng chỉ có ý nghĩa tương đối: Chất lượng thường xuyên thay đổi theo nhu cầu, theo không gian, thời gian và điều kiện lịch sử nên nó chỉ được đánh giá theo từng thời điểm.
- Chất lượng vừa có tính trừu tượng vừa có tính cụ thể: Tính trừu tượng thông qua sự phù hợp theo đánh giá, nhận thức chủ quan của khách hàng. Tính cụ thể thông qua các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật tuân thủ theo thiết kế, thông qua tính khách quan của sản phẩm.
- Chất lượng sản phẩm thể hiện đúng nhất khi được đem vào sử dụng với điều kiện và mục đích nhất định: Đánh giá chất lượng sản phẩm chỉ nên xét một đặc tính của nó có làm thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của khách hàng hay không.
- Chất lượng còn áp dụng cho mọi đối tượng chứ không chỉ là hàng hóa: Đó có thể là sản phẩm, hoạt động, quá trình, doanh nghiệp hay là con người.
Nhà sản xuất nên căn cứ vào các đặc điểm trên của chất lượng sản phẩm để xác định đúng mức tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, đưa ra những chiến lược, quyết định đúng trong quản lý chất lượng và sản xuất sản phẩm, tăng khả năng thu hút khách hàng, giúp việc kinh doanh được thuận lợi hơn.
III. Tầm quan trọng của chất lượng
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp sản xuất hàng hoá, mức sống con người ngày càng được cải thiện. Nhu cầu về hàng hóa cũng trở nên đa dạng và yêu cầu cao hơn về chất lượng.
Tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm sẽ không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn với cả người tiêu dùng.
● Đối với doanh nghiệp
Chất lượng sản phẩm là giá trị cốt lõi, quyết định phần lớn đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
- Điều này thể hiện ở những mặt sau đây:
- Tạo ra sức hấp dẫn, thu hút khách hàng và tăng lợi thế cạnh tranh: Khi chọn mua sản phẩm, khách hàng sẽ đối chiếu những mặt hàng có thuộc tính cùng loại theo nhu cầu của mình. Nếu sản phẩm có thuộc tính chất lượng cao sẽ ghi điểm trong mắt người mua và tăng khả năng được chọn, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thậm chí là độc quyền nếu có ưu thế riêng so với sản phẩm cùng loại.
- Làm tăng giá trị vô hình-thương hiệu: Chất lượng sản phẩm tốt nhận được đánh giá cao từ khách hàng, tăng uy tín cho nhãn hàng và tác động rất lớn tới quyết định quay lại chọn mua lần sau.
- Cơ sở để duy trì và mở rộng thị trường: Chất lượng sản phẩm tốt, được mọi người công nhận mới tạo được nền móng vững chắc, gia tăng cơ hội để nhà sản xuất mở rộng thị trường và tệp khách hàng phong phú hơn, đem đến sự phát triển lâu dài, bền vững cho các doanh nghiệp.
- Là cơ sở để đẩy mạnh giao thương: Chất lượng sản phẩm được nâng cao thúc đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, giao lưu kinh tế và mở rộng trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp.
- Là yếu tố kích cầu, tăng lợi nhuận: Sản phẩm có chất lượng tốt sẽ có sức cạnh tranh lớn, mức độ tiêu thụ cao và nhanh, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm, đem đến cho các doanh nghiệp cả cơ cơ hội và thách thức rất lớn. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định vị thế của sản phẩm và uy tín, thương hiệu của mình, doanh nghiệp nên đặc biệt đầu tư cho khâu quản lý chất lượng sản phẩm.
● Đối với người tiêu dùng
Tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng là điều không thể bỏ qua bởi họ là đối tượng sử dụng và tiêu thụ trực tiếp sản phẩm.
Vai trò của chất lượng sản phẩm đối với người dùng thể hiện qua những điều sau:
- Nâng cao chất lượng cuộc sống: Chất lượng sản phẩm tốt đồng nghĩa với dân được tiếp cận với những sản phẩm, dịch vụ chất lượng tốt. Ngoài ra, còn tăng năng suất lao động và môi trường sống cũng được bảo vệ tốt hơn, nguyên vật liệu được sử dụng tiết kiệm, giúp giảm tỷ lệ rác thải trong quá trình sản xuất và tiêu dùng.
- Thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng: Chất lượng tương xứng với giá tiền bỏ ra và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao để mua những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu của mình.
- Tăng thu nhập thực tế của dân cư: Bởi cùng một mức giá phải bỏ ra nhưng người tiêu dùng sẽ chọn mua được sản phẩm có giá trị sử dụng cao hơn và thuận tiện hơn, giúp họ tiết kiệm được sức lực và một khoản chi phí nhất định.
- Thống nhất các lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng: Doanh nghiệp được tăng lợi nhuận, có điều kiện hơn để đầu tư về chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng các dịch vụ kèm theo dành cho người mua hàng.
Đó là những minh chứng cho tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu nhà sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, họ sẽ có vũ khí lợi hại nhất trong cuộc chiến khốc liệt trên thị trường. Là người tiêu dùng, việc lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn tác động tích cực đối với sự phát triển của đất nước.
IV. Lý do khiến chất lượng lại quan trọng
Tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng là rất lớn, điều đó là đương nhiên và đã được minh chứng ở trên. Không những thế, những lý do sau đây càng khẳng định vai trò của chất lượng sản phẩm đối với sự sống còn của doanh nghiệp.
1. Đáp ứng kỳ vọng của khách hàng
Bất kỳ thời đại nào, khi khách hàng chọn một sản phẩm nào đó, cùng với tìm hiểu tính năng của sản phẩm là gì, họ sẽ quan tâm về chất lượng, vấn đề chỉ là họ có đủ tiềm lực kinh tế để sở hữu nó hay không mà thôi. Một khi mức thu nhập được cải thiện thì người mua sẽ không ngần ngại chọn sản phẩm dựa vào tiêu chí chất lượng. Giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng thì đương nhiên chất lượng chính là công cụ cạnh tranh hữu hiệu giữa các đối thủ.
Nếu nhà cung ứng không đáp ứng được sự kỳ vọng của khách hàng về chất lượng sản phẩm thì không thể nào giữ chân họ lại trong tương lai. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng khi đã ý thức được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng tốt hơn. Người dùng sẽ sẵn sàng quay trở lại mua hàng khi có nhu cầu. Có thể nói, chất lượng sản phẩm tốt là cầu nối giúp doanh nghiệp có được lượng khách hàng mới và trung thành với mình.
2. Tăng uy tín, danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp
Mức độ uy tín và danh tiếng của doanh nghiệp thường tỉ lệ thuận với giá trị chất lượng sản phẩm mà họ sản xuất. Và những điều này sẽ được đánh giá, nhận xét bởi chính người tiêu dùng. Khi khách hàng sử dụng sản phẩm, họ có thể nêu trải nghiệm của mình qua các kênh như facebook, youtube,… đó có thể là đánh giá tích cực và cả tiêu cực.
Tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm lúc này sẽ thể hiện ở việc nếu sản phẩm được phản hồi tốt về chất lượng sẽ góp phần gia tăng uy tín và danh tiếng của thương hiệu đến những khách hàng khác, tác động đến quyết định chọn mua của họ. Ngược lại, sản phẩm kém chất lượng, bị lỗi hoặc thu hồi dẫn tới dư luận tiêu cực và gây tổn hại đến uy tín, danh tiếng và hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng.
3. Đáp ứng hoặc vượt qua các ngành tiêu chuẩn
Để giảm thiểu rủi ro về vấn đề chất lượng, sản phẩm của doanh nghiệp phải tuân thủ và đáp ứng những tiêu chuẩn, kỹ thuật nhất định theo quy định của Nhà nước. Sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường khi đã đạt tiêu chuẩn về chất lượng tức là đã được công nhận. Tất nhiên, mỗi mặt hàng sẽ cần đáp ứng những tiêu chuẩn khác nhau của các ngành khác nhau theo quy định.
Đáp ứng hoặc vượt qua các ngành tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp tăng uy tín, tăng tính cạnh tranh, dành được nhiều thị phần mới, lợi nhuận cũng gia tăng, từ đó có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Như vậy, tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm chính là giúp doanh nghiệp đáp ứng hoặc vượt qua các ngành tiêu chuẩn.
4. Quản lý chi phí hiệu quả
Một trong những cách để quản lý chi phí hiệu quả đó chính là xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Bằng cách này, doanh nghiệp của bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều khoản chi phí: Chi phí cho những sản phẩm bị lỗi, hỏng và thu hồi; Chi phí hoàn trả cho khách hàng khi sản phẩm không đạt yêu cầu; Thậm chí phải chịu chi phí pháp lý do không tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
Xác định được tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm từ đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm còn giúp doanh nghiệp không cần dự trữ hàng tồn kho cho việc tái sản xuất, giảm chi phí cho việc tìm kiếm khách hàng mới, chi phí tiếp thị, quảng bá, chi phí chào hàng khi mà sản phẩm của mình đã được đông đảo người dùng công nhận về chất lượng.
V. Các yếu tố có thể cấu thành chất lượng sản phẩm
Mỗi sản phẩm chính là một chỉnh thể hoàn chỉnh được tạo thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Mỗi yếu tố thể hiện một giá trị của sản phẩm và khả năng sản phẩm có thể thực hiện chức năng hoạt động như mong muốn.
Các yếu tố cấu thành chất lượng sản phẩm bao gồm:
- Tuổi thọ: Là khoảng thời gian mà sản phẩm giữ được tính năng, tác dụng trong điều kiện hoạt động bình thường, trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về điều kiện sử dụng và chế độ bảo dưỡng theo quy định.
- Tính thẩm mỹ: Thể hiện sự thu hút khách hàng thông qua hình dáng, cách trang trí, màu sắc, kích thước, tính thời trang,… được thiết kế phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
- Sự phù hợp: Các thông số kỹ thuật của sản phẩm phải đồng nhất với nhau để đảm bảo chất lượng.
- Độ tin cậy: Đặc trưng bởi khả năng duy trì đúng tính năng hoạt động như thiết kế ban đầu, hoạt động một cách chính xác và đảm bảo chất lượng như đã cam kết trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tính kinh tế: Mức chi phí tiết kiệm được trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó sự tiêu hao năng lượng, nguyên liệu trong quá trình sử dụng sẽ tỉ lệ nghịch với chi phí tiết kiệm được khi tiêu thụ sản phẩm.
- Tính tiện dụng: Thể hiện thuộc tính sẵn có về khả năng dễ bảo quản, dễ vận chuyển, dễ sửa chữa, dễ sử dụng ở mức độ nào.
- Tính an toàn: Đáp ứng được các quy định của Nhà nước về mức độ an toàn của sản phẩm như: Sử dụng và vận hành an toàn, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng và không gây ảnh hưởng đến môi trường,…
- Những yếu tố vô hình: Dịch vụ đi kèm về hậu mãi, giá trị đạo đức của sản phẩm; danh tiếng và uy tín của nhà sản xuất, bảo hành vận chuyển hướng dẫn
Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn có thêm được nhiều thông tin hữu ích về chất lượng sản phẩm. Tầm quan trọng của chất lượng sản phẩm đối với nhà sản xuất là không thể chối cãi, hãy chú trọng yếu tố này nếu muốn tồn tại và phát triển xa hơn.